Món ăn chế biến từ rắn thì người miền Tây vốn sành, đa phần là để làm mồi cho mấy anh lai rai. Trong số ấy thì món rắn xào lá cách là hấp dẫn hơn cả. Mà món này để ăn cơm cũng hợp chứ không chỉ để… nhậu.Những ai “yếu vía”, nghe tới thịt rắn là sợ nhưng dám cá rằng, với món rắn xào lá cách thì kiểu gì cũng muốn thử. Về miền Tây mà may mắn được gia chủ đãi món này thì đừng dại mà từ chối bởi cam đoan với du khách tour miền Tây 4 ngày 3 đêm rằng, nếu không ăn, mai mốt chẳng biết tìm đâu ra. Vả lại, món này ngay cả với người miền Tây cũng phải gặp hôm “hên” mới có mà ăn. Mà nếu cảm thấy sợ quá thì đừng chứng kiến cảnh người ta sơ chế rắn, cứ đợi xong đâu đấy thì ngồi vào bàn, chờ món dọn ra là xong.
Để làm món này thì rắn nước, rắn hổ hành hay rắn ri voi… đều được cả. Ở vùng sông nước ấy mà, lâu lâu thấy rắn bò qua mương, lẻn vô ao cá, mắc vào lưới, chui vô rọ… thì bắt thôi. Mà bạo gan thì mới dám bắt rắn rồi đập cho chết tươi, lột da. Thông thường, phần da rắn sẽ được giữ lại chứ không bỏ đi, chỉ việc trụng qua nước sôi cho lớp vảy sừng trên da tróc ra là được. Bởi, phần da khi xào sẽ dai giòn sần sật rất đã. Còn phần thịt rắn trắng phếu thì cắt khúc, dùng búa dần giữa xương sống cho mềm ra rồi bằm kỹ theo dọc sườn để đảm bảo xương nhuyễn, không cứng lọt chọt. Chính phần xương bằm lạo xạo này tạo cảm giác thú vị hơn khi ăn.Thịt rắn tanh hơn nhiều loại thịt khác nên cần ướp gia vị kỹ. Ngoài muối, tiêu đường, bột ngọt còn có ớt tươi cay và đặc biệt là sả băm. Ướp sao mà đưa tô thịt kề mũi, thấy thơm phưng phức là ngon. Thịt ướp để chừng một tiếng rồi đem xào. Khi xào, phi tỏi cho vàng rồi cho thịt vào đảo, nếu khô quá có thể thêm ít nước, xào cho đến khi săn chín, hơi áp chảo (đảm bảo thơm lừng từ đầu nhà xuống cuối nhà) rồi thì cho lá cách xắt nhuyễn vào, đảo trên lửa lớn đến khi lá cách xèo xuống là được. Không nên để lá cách chín quá, lá sẽ ngả màu đen và bớt ngon.
Thịt rắn thơm ngọt, thêm chút lạo xạo do bằm lẫn xương, cộng với vị hanh thơm của sả, ớt và đặc biệt là cái đắng thơm tao nhã của lá cách càng làm món ăn thêm phần ngon đắc địa. Mà lá cách vốn có thể đi với nhiều món nhưng riêng với rắn thì hợp lạ hợp lùng. Nó chẳng những “khử” được mùi tanh của rắn mà còn đượm quyện hương vị như chứng tỏ: ngoài ta ra, đố có loại lá khác sánh bằng.Xúc rắn xào ra dĩa, mấy anh thể nào cũng đòi thêm ly rượu đế vì nếu ăn không sẽ… uổng. Rồi thế nào gắp vài ba đũa ăn xong, du khách du lịch miền Tây Nam Bộ cũng vỗ đùi đen đét, miệng thì liên tục: số dzách, số dzách! Nhưng món ấy có phải đâu chỉ là đặc quyền của các anh, mấy cô, mấy chị muốn làm món ăn cơm cho gia đình để lâu lâu đổi vị cũng ngon đáo để.