Blackburn thua Liverpool ở vòng cuối, nhưng M.U lại chỉ hòa trên sân đối thủ yếu West Ham. Thế là Blackburn vô địch Premier League, với khoảng cách hơn vỏn vẹn 1 điểm trước Quỷ đỏ của Sir Alex Ferguson.




Đấy là kịch bản của mùa bóng 1994/95. Blackburn trở thành đội bóng hiếm hoi ngoài danh sách “đại gia” đăng quang trên quê hương bóng đá, trong kỷ nguyên hiện đại, nhờ trận hòa quyết định... của West Ham! Đấy là câu chuyện về bóng đá Anh. Hãy nhìn vào nền bóng đá khác, cũng rất nổi tiếng nhưng có nhiều chỗ khác biệt, đó là bóng đá Italia.


Trước vòng đấu khép lại mùa bóng 2001/02, Inter hơn đội nhì bảng Juventus 1 điểm. Rút cuộc, Juventus thắng Udinese 2-0, đoạt chức vô địch. Tất nhiên là vì Inter mất điểm ở vòng đấu ấy. Họ thua 2-4 trên sân Lazio.


Khác biệt? Trong khi West Ham chỉ đứng ở nửa dưới của BXH Premier League và hoàn toàn không còn gì để tranh chấp, thì ngược lại, Lazio là đội mạnh đang cố tranh suất dự UEFA Cup tại Serie A. Chỉ mới 2 năm trước đó, Lazio thậm chí còn đoạt được Scudetto.


Vậy mà trên sân, camera lại bắt được cảnh hậu vệ Marco Materazzi của Inter mắng như muốn ăn tươi nuốt sống các cầu thủ Lazio. “Đồ tồi, các anh cố gắng để làm cái gì?” - các chuyên gia đọc khẩu hình phải cố phân tích xem Materazzi nói gì, bởi theo diễn biến trên sân thì chẳng có lý do gì để cầu thủ đôi bên tranh cãi trong khoảnh khắc ấy.


Inter 2 lần dẫn điểm, nhưng Lazio vẫn kiên trì cân bằng tỷ số trước khi thắng ngược. Xin nhắc lại: Lazio vừa vô địch Serie A trước đó không lâu, là đội chủ nhà, và phải thắng thì mới có vé dự UEFA Cup. Nhưng trong suy nghĩ của Materazzi, ngần ấy lý do vẫn chưa đủ để Lazio phải dốc sức quyết thắng.


Họ đâu có tranh ngôi vô địch! Vấn đề tổng quát: đối với một bộ phận không nhỏ trong làng bóng Italia, suy nghĩ chung là bạn không cần cố gắng nếu chiến thắng không quá cần thiết. Và, trong quan niệm của Materazzi, thậm chí vé dự UEFA Cup cũng không phải là quá cần thiết, so với hoàn cảnh đối phương rất cần Scudetto đầu tiên sau 13 năm!




Xin miễn bàn chuyện đúng sai, bởi đây trước tiên là khác biệt về suy nghĩ, quan điểm, trường phái. Gianni Brera - một trong những nhà báo nổi tiếng nhất lịch sử Calcio - từng nói: “Ở Italia, chúng tôi chưa bao giờ nghe đến khái niệm fair-play”. Cựu chủ tịch Perugia, Luciano Gaucci thì quả quyết: “80% các trận đấu ở Italia là có dàn xếp”. Dĩ nhiên, đấy chỉ là cách nói phóng đại. Nhưng hãy lưu ý điều này: khi không nhất thiết phải thắng mà vẫn cố gắng, bạn có thể bị nghi ngờ về “động cơ chiến thắng”. Có khi là chuyện dàn xếp không chừng!!!


Đấy là văn hóa bóng đá. Nước Anh hoàn toàn ngược lại: hễ đã ra sân là phải nỗ lực chơi hết khả năng, bất kể nỗ lực của bạn rút cuộc có dẫn đến điều gì. Luận về chuyên môn thuần túy, Tottenham rất khó lật ngược tình thế, qua mặt Chelsea trong 5 vòng đấu cuối. Nhưng, thầy trò HLV Mauricio Pochettino vẫn luôn chắt chiu từng trận thắng một. Họ cố tranh ngôi vô địch trong thế còn nước còn tát? Dĩ nhiên rồi, nhưng đấy không phải là toàn bộ nguyên nhân. Tottenham đâu cần phải có chút xác suất vô địch để họ cố chiến thắng tất cả các trận còn lại!


Ngay loạt trận đấu bù vòng 28 vừa qua, người ta hồi hộp xem Tottenham có thắng nổi Crystal Palace hay không. Lý do: 3 “nạn nhân” gần nhất của Crystal Palace chính là Chelsea, Arsenal, Liverpool - đều thuộc diện “ông lớn”. Vấn đề là Crystal Palace liên tục quật ngã các đối thủ mạnh... cũng đâu phải vì mục tiêu quan trọng nào. Nói thẳng ra: chẳng có mục tiêu gì. Premier League luôn khốc liệt một phần là vì điều này. Đấy cũng là lý do vì sao Chelsea sẽ phải thận trọng trước 5 đối thủ cuối cùng.



>> Xem truc tiep bong da dem nay
>> Bong da soi keo dem nay